VẺ ĐẸP TRÁNG LỆ CỦA PHONG CÁCH NỘI THẤT CỔ ĐIỂN
Sở hữu vị thế độc tôn bởi vẻ đẹp trường tồn và nét sang trọng quý phái, phong cách nội thất cổ điển luôn giữ cho riêng mình những “fan hâm mộ” trung thành dù qua hàng thế kỷ. Nếu như các phong cách hiện đại hướng đến sự tối giản, tiện lợi thì đối với phong cách cổ điển, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Cùng Đông Ngô, tìm hiểu phong cách nội thất cổ điển.
Lấy nguồn cảm hứng từ nền kiến trúc của Hy Lạp và La Mã, phong cách cổ điển đã du nhập và “làm mưa làm gió” tại châu Âu từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Với mỗi quốc gia khác nhau, phong cách này biến hóa và có những nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, có thể gói gọn trong 2 Trường phái cụ thể:
Trường phái Classic Style (Phong cách cổ điển truyền thống): tập trung chủ yếu vào nét cổ kính, mang đậm phong cách truyền thống Châu Âu.
Trường phái Classic Reinterpreted style (Phong cách diễn giải lại sự cổ điển): giống với phong cách cổ điển nhưng hiện đại hơn một chút. Đây là sự đột phá mang mới mang lại sự mới mẻ trong cách nhìn của phong cách cổ điển truyền thống.
Về không gian:
Phong cách nội thất cổ điển tuân thủ chặt chẽ tính cân bằng và đối xứng. Nhìn thoáng qua, bạn đã dễ dàng nhận ra không gian được chia thành hai phần với thiết kế giống nhau, bố cục rõ ràng và tạo thành một thể thống nhất. Tuy nhiên, vật trang trí và đồ nội thất không bắt buộc giống nhau, có thể linh hoạt để sử dụng.
Về màu sắc của phong cách nội thất tân cổ điển:
Với trường phái Classic Style: màu sắc không phải là điểm đặc biệt của không gian. Thay vào đó, chúng sẽ làm nền và tạo cảm giác ấm áp trong không gian tổng thể. Màu sắc ưu tiên là màu gỗ tối.
Với trường phái Classic Reinterpreted Style: có thêm các gam màu sáng. Lưu ý khi lựa chọn màu sắc để tránh làm mất sự tinh tế trong phong cách cổ điển. Sử dụng những tông màu trung tính như nâu, be, nâu sẫm làm chủ đạo kết hợp với đỏ, xanh, nâu. Lựa chọn màu sắc cùng tông, đồng điệu giúp không gian vừa sáng vừa hiện đại hơn.
Về hoa văn, họa tiết trang trí:
Điểm đặc biệt không thể thiếu trong phong cách thiết kế nội thất cổ điển chính là những đường chỉ phào hay tạo ra những đường gờ chạy dọc tường, trần, thậm chí là sàn nhà. Ngoài ra, còn có những họa tiết hoa văn được làm thủ công khá độc đáo, lấy cảm hứng từ lá sồ, lá nguyệt quế, những họa tiết uốn lượn của Hy Lạp. hình kỷ hà tạo hình thành những khối đối xứng trong căn phòng giúp tạo nên vẻ bắt mắt và thu hút cho căn phòng. Tất cả các chi tiết đều được thi công cầu kỳ, hoa mỹ và đầy kiểu cách.
Về chất liệu:
Các vật liệu đồ nội thất ở phong cách nội thất cổ điển đều phảng phất hình ảnh và dáng dấp của những thế kỷ, thập kỷ trước. Cụ thể như:
- Gỗ là một trong những chất liệu đặc trưng của phong cách nội thất cổ điển. Gỗ thường được dùng làm bàn, ghế, kệ bếp, sàn nhà, khung cửa…
- Thạch cao có mặt ở hầu hết các công trình nội thất cổ điển (trần nhà, tường…), bổ trợ cho các vật liệu khác, tôn lên vẻ đẹp của ngôi nhà.
- Đá tự nhiên (đá cẩm thạch, đá hoa cương…) với mẫu mã phong phú, bề mặt sáng bóng, góp phần tăng thêm vẻ đẹp cho không gian. Đá được dùng làm mặt bàn bếp, chậu rửa mặt, kệ đựng đồ, sàn nhà, tường…
- Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến pha lê, chất liệu đặc trưng làm nên vẻ rực rỡ đặc trưng cho phong cách này. Pha lê được sử dụng làm đèn chùm, bình hoa, ly rượu…
- Ngoài ra, kim loại như vàng, bạc, đồng được mạ lên các vật dụng nội thất hoặc chế tác thành một số vật dụng (đèn bàn, giá cắm nến…); chất liệu da bóng, da lộn… thường được làm thành vải bọc sofa, ghế trụ…; các loại vải dệt, lụa, gấm nhung,… rất thường được sử dụng nhằm tăng thêm phần lộng lẫy và sa hoa cho không gian.
Về ánh sáng:
- Các căn phòng của phong cách nội thất cổ điển thường sử dụng đèn chùm pha lê, đèn làm bằng đá trong suốt hoặc thủy tinh đắt tiền.
- Như tác phẩm nghệ thuật đặt chính giữa trần nhà, ánh sáng vàng dịu của đèn chùm tạo nên không khí cổ kính và ấm cúng cho không gian.
Ngoài ra, phong cách nội thất cổ điển còn có nhiều đặc điểm nổi bật khác, cụ thể:
Đồ trang trí đồ nội thất thường có kích thước đồ sộ và được chế tác tỉ mỉ bằng những chất liệu thượng hạng. Bạn có thể chọn đồ sứ, đồ cổ, tranh vẽ, tượng,… để trang trí cho phong cách này. Rèm cửa phù hợp với phong cách cổ điển thường có thiết kế theo kiểu xếp ly lớn với các nếp uốn lượn to được điểm xuyến cùng một số chi tiết nổi bật như thắt nơ,…
Nhưng lưu ý quan trọng cho những gia chủ đã “phải lòng” phong cách nội thất cổ điển:
- Phù hợp với không gian lớn. Nếu sử dụng lối thiết kế cổ điển cho các căn phòng có diện tích nhỏ thường sẽ nhanh bị lỗi thời và không đạt tính thẩm mỹ cao.
- Chi phí tốn kém vì cần chi trả nhiều cho nguyên vật liệu thiết kế và đội ngũ thi công có tay nghề cao, dày dặn kinh nghiệm và có mắt thẩm mỹ cực tốt.
- Thời gian thi công kéo dài. Không dễ dàng để kết hợp phong cách này với phong thủy Á Đông trong cùng một ngôi nhà.
Không chỉ mang đến những tuyệt tác kiến trúc công phu, đẹp mắt, phong cách nội thất cổ điển còn khẳng định địa vị quyền quý của các gia chủ trong xã hội. Dù khá kén người lựa chọn, phong cách này vẫn luôn được yêu thích bởi các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, dấu ấn thời gian theo năm tháng.